28/8/10

Kéo cưa... lừa xẻ !


Chiều rảnh, vào vnthuquan tiếp tục đọc mấy truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Đọc lại truyện “ Những người thợ xẻ “ đã được dựng thành phim ( mình chưa xem ) vẫn thấy hay. Truyện hay, nhiều hình ảnh ẩn dụ cùng vài đoạn lý luận hoang dại,đậm chất đời của tay thợ xẻ Bường lọc lõi, cáo già, lưu manh,độc ác. Những con người trong truyện đều có cái nhìn cay đắng vì sự va đập khốc liệt của cuộc sống để tồn tại, mưu sinh.
Tay phó giám đốc nông trường Thuyết là người keo kiệt, bủn xỉn , chó ăn đá gà ăn sỏi, lại rất khôn ngoan, xảo quyệt. Nhưng cuộc sống còn có những khoảng trống, kẽ hở mà dù khôn ngoan đến mấy cũng không lường hết được những trò ma mãnh, ăn gian của tay thợ xẻ Bường . Kéo cưa chỉ là phụ, cái chính là “lừa “ xẻ để ăn “gian” bán gỗ cho kẻ khác nhằm thủ lợi riêng. “Gian”- đó cũng là phẩm tính đặc sắc của nhiều người thợ Vietnam . Cuộc đời cay nghiệt, bất công ở chỗ, nếu anh sống quá ngay thẳng, thật lòng thì anh không thể tồn tại được. Phải “gian”, lưu manh, lọc lừa,mưu mô, thủ đoạn… thì mới có đất sống, mới tồn tại được. Bản chất của cuộc sống là sự cộng sinh “lừa” lẫn nhau, lừa tiền, lừa tình, lừa đạo đức…Bường lừa “xẻ” được ông Thuyết, Ông Thuyết lại lợi dụng chức vụ của mình, đốn cây chò chỉ để xây nhà, mưu lợi riêng cho gia đình…chính là “lừa”, xẻ thịt lợi ích ở cấp độ cao hơn, khoác cái áo giả hiệu, đạo đức hơn mà thôi. Bường, Ngọc lại bị đàn bà “lừa” , cho ăn quả đắng…
Hình ảnh hay nhất của Truyện, phản ánh bản chất xấu xa, đê tiện , súc vật nhất là cảnh Tay Bường vì ganh ghét, cố ý (hay vô tình )bật cái cưa làm đứt ngón chân Ngọc ( trí thức, 21t, nhiều mưu cao) , sau đó buộc phải chặt ngón chân thối bị hoại tử quăng vào đám lửa cháy. Ngón chân thối bị hoại tử của Ngọc chính là hình ảnh tượng trưng cho cái giá phải trả trong cuộc sống mưu sinh khắc nghiệt chốn rừng thiêng nước độc để kiếm tiền.  Hay theo cách nhìn thiển cận, dèm pha, đố kị của Bường chính là chất “lưu manh “ trong con người Ngọc, qua câu nói : “ôi chỉ ước toàn bộ chất lưu manh trong con người nó cũng cháy như cục thịt này “.  Câu nói đó là sự hả hê, vừa là sự cảnh báo 1 nỗi sợ mơ hồ, nguy hiểm của sự kết hợp giữa chất lưu manh + trí thức trong 1 con người.     
Hình ảnh sâu sắc nữa là cảnh Bường và Ngọc lao vào đánh nhau vì Ngọc ngăn cản Bường thực hiện hành vi đồi bại, bỉ ổi đối với đứa con gái ngây thơ, vô tư ( là con của tay Thuyết , phó giám đốc nông trường ). Tục nhất là đoạn lý luận “cùn” của Bường về quan niệm cái “bướm “  đàn bà ! ? : “Ngọc ơi, mày đừng đau khổ đến thế, mày có biết vì sao cái ấy của phụ nữ các cụ gọi là cái bướm không? Nó là một thứ có cánh, phấp pha phấp phới. Nó là lộc của trời. Nó đậu vào chỗ nào thì chỗ ấy được. Có khi người ta phải bắt nó đấy “
Cảnh cuối là đoạn chiến đấu ngoạn mục của 5 người thợ xẻ với con gấu. Rất hoang dã, giàu chất thơ . Con gấu chỉ bị hạ khi và chỉ khi cả 5 người đoàn kết, thống nhất nhân tâm khi họ bị dồn đến bước đường cùng của sự sống chết .
Những người thợ xẻ . Trong cuộc sống, dưới 1 góc độ nào đó,mỗi chúng ta đều là những người thợ xẻ. Xẻ gỗ hay xẻ “tình” đều giống nhau, đều phải chiến đấu, phải thỏa hiệp. Không có chuyện tốt, xấu !

14/8/10

Không có Vua


“Không có vua” là 1 truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp.Nhà văn này nổi tiếng rồi, đã có nhiều nhà phê bình viết về ông. Khen chê, đủ kiểu, thượng vàng hạ cám.


Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp hay, trí tưởng tượng phong phú,văn phong lạ (nhất là ở thời kì đầu ). Lối viết ám chỉ, bóng gió, trừu tượng. Mình chú ý đến 1 nhận xét đã đọc ở đâu đó trên trang evan về Thiệp, đó là đọc truyện của ông giống như xem 1 bức tranh siêu thực , chẳng hạn của Salvador DALI, hay Picasso . Nghĩa là, hiện thực bị bóp méo, giã nát, vặn vẹo, nhào nặn, pha trộn…thành nhiều hình thù quái gở, và hiểu như thế nào là…do từng người thưởng lãm nhận xét. Qua bài viết này của 1 nhà khoa học ngưỡng mộ nhà văn NH Thiệp (Nguyễn đình Đăng )mới biết chính vì sự nổi tiếng mà ông đã gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, bị dèm pha, ganh ghét, thậm chí bị “giám sát” chặt chẽ , tinh vi như thế nào…


Đọc nhiều truyện ngắn của NH Thiệp, mình ấn tượng với truyện “ Không có vua “ nhất. Tất nhiên, Nguyễn huy Thiệp còn rất nhiều truyện ngắn hay , nổi tiếng khác như : tướng về hưu, vàng lửa, phẩm tiết, con gái thủy thần, nguyễn thị lộ, sang song, muối của rừng…vv


“Không có vua” đề cập đến sinh hoạt, lối sống của 1 gia đình với các thành viên có hoàn cảnh, nghề nghiệp khác nhau. Đó là, ông Kiền( chủ gia đình, góa vợ ). Cô Sinh( làm dâu, vợ của Cấn làm nghề hớt tóc ). 4 anh em gồm : Cấn ( anh trưởng, làm nghề hớt tóc, ráy tai, hiền , nhu nhược ).Đoài ( công chức giáo dục, thích bỡn cợt, hay dèm pha, hơi dâm đãng ngầm ). Khiêm ( mổ lợn, dữ dằn, thô lỗ, bặm trợn). Khảm ( sinh viên đại học, sôi nổi, nhiệt huyết, nhiều ảo tưởng nhưng non nớt , ngây thơ với đời). Cuối cùng là Tốn ( bị thiểu năng,teo tóp, chậm phát triển, khù khờ, ngu ngơ nhưng thật thà, chịu khó, chất phác, tốt bụng ).


Mỗi nhân vật, mỗi người 1 vẻ , được NH Thiệp vẽ lên bằng bức tranh siêu thực vừa hài hước, vừa cay nghiệt về bức tranh gia đình đặc trưng thu nhỏ của 1 thứ trật tự xã hội thiếu sự gắn kết, lỏng lẻo, chỉ “bằng mặt mà không bằng lòng” với sự ganh ghét, độ kị,lòng vị kỉ to lớn của mình. Không ai thừa nhận 1 ông “vua” chính danh uy quyền có đủ thẩm quyền chế ngự lòng ham muốn cao ngất của các thành viên máu mủ, ruột rà trong gia đình. Là bố, nhưng ông Kiền thiếu “chính danh” ,không cưỡng lại được lòng ham muốn dục tính bẩn thỉu đó là “thú nhìn trộm con dâu tắm truồng” ; Khảm làm nghề mổ lợn lại mắc bệnh tham lam cố hữu của 1 anh công nhân, phận làm “em’ nhưng lại hay chứng tỏ uy quyền, vượt mặt mấy ông anh do nắm quyền chi phối về mặt kinh tế. Sinh nghề tử nghiệp, “giết “ , tàn sát, xuống tay quá nhiều “con lợn” nên bị quả báo mắc chứng hoang tưởng, đêm ngày gặp ác mộng “ bị lợn rượt đổi xa vào hố phân”… Còn Đoài, mới là sinh viên nứt mắt mà đầu óc đặc sệt dâm tính, thích chơi trò dâm loạn với chị dâu, dù mới chỉ là mấy màn lả lơi “khẩu dâm” . Mâu thuẫn được đẩy lên cao ở giữa truyện khi ông Kiền tổ chức “cúng giỗ” cho người vợ đã mất, Cấn ( anh trưởng) bị Khiêm đấm gãy răng, ho ra máu cũng vì tranh chấp, hơn thua nhau vì tự ái . Đã thế, Lão Kiền, là chủ gia đình lại thể hiện sự vô trách nhiệm, hay chính xác đó là sự bất lực của chính mình trước mâu thuẫn, tranh giành quyền lực, ảnh hưởng của các con bằng câu nói phũ phàng :” Chúng mày cứ giết nhau đi, tao càng mừng “.


Truyện của 1 gia đình hay là chuyện của xã hội, tôi đang tự hỏi ?

12/8/10

Bản quyền

Sáng nay đọc báo thanhnien online có đề cập đến cuộc chiến dành bản quyền giữa các nhà đài ( đài truyền hình ) về việc phát sóng các chương trình thể thao, đặc biệt là giải ngoại hạng ANH ( Premier League ). Theo đó, muốn xem trọn bộ giải ngoại hạng Anh ( phát thứ bảy, chủ nhật, thứ hai ) thì phải mua sóng của kênh thể thao K+( độc quyền trọn gói ). Còn nếu chỉ sài cáp của SCTV hoặc HTV thì chỉ xem được ngày thứ bảy hoặc thứ hai ( chủ nhật không xem được).Thậm chí,vào chủ nhật các kênh ESPN hoặc STARPORT do SCTV tiếp sóng cũng không được phép quay lại.

Những ai ưa thích xem giải bóng đá ngoại hạng ANH có chung nhận xét là các trận đấu ngày chủ nhật thường là những trận đấu hấp dẫn giữa các đội đại gia (MU,CHELSEA, ARSENAL,LIVERPOOL...), và số trận đấu ngày chủ nhật chiếm tới 32% .

Muốn xem trận ngày chủ nhật, buộc phải mua hộp giải mã của K+. Tổng cộng hết 4 triệu( 1 triệu mua hộp giải mã + 3 triệu thuê bao 1 năm ).

Theo ông Cao ngọc Tiến, thì K+ là 1 đơn vị trực thuộc của đài truyền hình Vietnam. Lập luận của ông Tiến như sau: K+ là con đẻ của Truyền hình vietnam,và nó được phép độc quyền thu lợi nhuận cao bằng cách bán món hàng cao cấp ( kênh K+ phát sóng trọn bộ giải Premier league ). Còn đài THVN là đơn vị thuần túy thực hiện chức năng cao cả của đảng và nhà nước giao chủ yếu là phục vụ nhân dân, chứ kiểu kinh doanh vì mục đích lợi nhuận ( xấu xa ) đó không phải là tiêu chí chủ đạo. Lựa chọn món ăn nào tùy thuộc người dân ( người xem đài ). Ai thích xem+ có khả năng thì chọn mua kênh K+ nhé !

ở vietnam,quan điểm chủ đạo là nhà nước chưa cho phép tư nhân hóa lĩnh vực truyền hình nên kiểu cách kinh doanh của đài truyền hình vietnam là 1 cách “lách” hợp pháp, hợp lý,sáng tạo, rất khôn khéo của các đồng chí lãnh đạo. Món ăn thông thường của người dân đều đã được thị trường hóa, biến thành hàng hóa trao đổi theo cơ chế cạnh tranh thị trường. Còn món ăn “tinh thần” của người dân,tuy có nhu cầu lớn nhưng chưa được phép kinh doanh mà chỉ tồn tại dưới dạng lẫn lộn, lập lờ giữa cung cấp độc quyền và kinh doanh ngầm ẩn. Theo tôi, đây chính là cơ sở manh nha, sơ khai của quá trình chuyển biến sang 1 hình thái mới phù hợp hơn , như đa số các nước có nền kinh tế thị trường phát triển đều coi là bình thường ---> tư nhân hóa . Còn kiểu của Vietnam, chính xác gọi là :" Hồn trương ba,.da hàng thịt ". Bên ngoài mặc áo đẹp đẽ ( trương ba), còn thực chất bên trong chi phối bởi động lực xôi thịt rất lớn. Trước đây, nghành xuất bản sách cũng giống như vậy.

Với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, một lĩnh vực truyền thông tự do thời đại mới đang ngày càng lấn át và phổ biến trong cuộc sống của người dân (mà nhà nước cũng muốn quản lý và kiểm soát theo định hướng nhưng rất khó khăn ) thì lĩnh vực truyền hình cũng sẽ phát triển theo xu hướng tự do hơn, sự can thiệp định hướng của nhà nước nước ngày càng yếu ớt dần. Thêm nữa, miếng bánh “truyền hình “ béo bở này được nhiều đại gia và các “nhóm lợi ích” nhòm ngó, cạnh tranh, giành giật với rất nhiều chiêu thức,mánh khóe,thủ đoạn ngầm dữ dội. Duy trì quan điểm cũ sẽ tạo ra mảnh đất tốt dung dưỡng phát sinh nhiều hệ lụy tiêu cực ,tham nhũng .

Vấn đề ở đây chỉ là quan điểm, định hướng chủ đạo cũng như khả năng quản lý của nhà nước. Dù sao, bản quyền "độc quyền" còn tốt hơn độc quyền hoàn toàn!


Lady Gaga

Chủ nhật ,hơi buồn, cảm giác buồn trống vắng nhưng không trống...trải! Vào mạng nghe nhạc online. Thế nghe cái gì bây giờ nhỉ? Dạo này, có lẽ ảnh hưởng bởi tuổi tác nên cảm hứng về music có vẻ hơi bị ``chai ``, lì, tụt hậu khá xa trong việc tiếp cận nhiều nhân tố mới trong làng nhạc nhẽo! Thêm nữa, có quá nhiều thứ để Entertainment, để quan tâm ``focus `` nên cũng ít khi nghe nhạc online. Theo nhiều người , đây là một trong những thứ relax hữu hiệu nhất để giảm stress , tái tạo cảm hứng, cung cấp năng lượng ``nội sinh’’, là thứ vitamin tinh thần... cho cuộc sống còn lắm tất bật , xô bồ này !









From stuff

Tuần trước, trên tờ báo Time uy tín có mục bình chọn 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất trong làng giải trí Mỹ, xếp số 1 là nữ ca sĩ Lady Gaga. Lady Gaga là ai mà tầm ảnh hưởng lại mạnh mẽ đến như vậy ? Dù gì chăng nữa, được tuyển chọn vào danh sách của tờ Time cũng phải qua nhiều đánh giá, bình chọn gắt gao của nhiều chuyên gia uy tín, gạo cội. Hơn nữa, tờ Time là tờ báo chính luận, khá bảo thủ trong xã hội Mỹ, chứ không phải là 1 tạp chí chuyên về nhạc như Billboard, ROLLING STONE hay MTV...Mà xã hội Mỹ có lối tư duy rất thực dụng, nên ảnh hưởng càng cao, thu nhập càng nhiều. Cứ tưởng tượng 1 album thành công khi được lăng xê trình diễn thì hàng triệu giới trẻ Mỹ ( hay toàn thế giới ) sẽ thi nhau chước kiểu tóc, mốt áo váy, quần áo, trang điểm...theo Lady GAGA mới thấy sức mạnh ảnh hưởng của ``thương hiệu`` Lady gaga lan tỏa trong xã hội Mỹ lớn như thế nào !









From stuff

Hơi tò mò nên Search thử trên ``chú`` google, xem mấy bài hát của Gaga hát trên Youtube, nhac.vui.vn, đặc biệt là mục tóm tắt con đường, sự nghiệp của cô ca sĩ này trên wikipedia. Xem Lady Gaga hát và trình diễn. Đánh giá đầu tiên phải công nhận là cô đẹp, đẹp 1 cách sexy, khiêu khích, và rất hoàn thiện nhờ tiến bộ công nghệ ``transplant `` đã gọt rũa , tái tạo, vất bỏ những cái hơi xấu mà ông tạo hóa đã nhào nặn ban cho con người. Khuôn mặt của cô, về `` cơ bản`` có nét hơi giống cô nữ ca sĩ búp bê xinh đẹp ngọt ngào Christina Aguilera, lối trang điểm lại giống đàn chị Madonna. Tuy nhiên, điểm gây shock, tạo sự khác biệt ấn tượng độc đáo chính là lối phục trang dị hợm, lạ lẫm, rất màu mè của cô (flamboyant)...Như nhiều chuyên gia đánh giá : chính thời trang chứ không phải giọng hát mới là cảm hứng cho sự nghiệp sáng tác và biểu diễn của cô. Có thể nói, cho đến lúc này, Lady gaga được xem là 1 biểu tượng (sex symbol) trong làng giải trí khổng lồ của Mỹ, một vị trí chưa có ngôi vương suốt mấy năm nay. ảnh hưởng của cô sánh ngang với ca sĩ Madonna thập niên 80s-90s hay Marilyn Monroe những năm 60s...









From stuff

Bỏ qua những chi tiết phi chính thống, tôi cố gắng nghe thử 3 bài hát nổi tiếng của Lady gaga, đó là các bài : Just dance, poker Face, bad romance. Cảm nhận đó là thứ nhạc để ‘’nhảy’’ rộn ràng hay để thỏa mãn ``con mắt `` của giới trẻ Teen thích sành điệu, mới lạ thường diễn ra trong các quán Bar, Vũ trường chứ không phải loại nhạc làm người nghe có thể ray rứt khơi gợi suy nghĩ, ám ảnh hay xoa dịu nỗi đau… Phần nhạc có hòa âm chơi giống ban Modern thất kinh năm 1988-1990, nhưng nhờ có thiết bị điện tử hiện đại nên có vẻ dịu hơn, không thậm thịch xoáy sâu vào óc người nghe như trước. Phần lời rất đơn giản, không có gì đặc biệt . Kiểu như : `` Just dance, gonna be okay, da da doo-doo-mmm .Just dance, spin that record babe, da da doo-doo-mmm. Just dance, gonna be okay, d-d-d-dance . Dance, dance, just, j-j-just dance `` ( Just dance ).







Hay bộc lộ sự thèm khát lộ liễu, bản năng dục tính rất mạnh : `` I want your ugly.I want your disease I want your everything As long as it’s free I want your love Love love love. I want your love `` ( Bad romance ).







Giọng hát của Lady Gaga cũng quái dị như lối phục trang của cô, kiểu pha ``hybrid `` nửa đực nửa cái , phi giới tính, rất quái lạ ! Điểm thuyết phục tôi chỉ là mấy pha trình diễn nhảy múa khiêu gợi , ưỡn ẹo, khoe mông, đùi giống như mấy lễ hội giả trang của dân đồng tính thích hội hè, đình đám kiểu Mỹ.









From stuff

Tôi thừa nhận, đánh giá mình thuộc loại ``đàn gảy tai trâu``, cảm xúc cứng, nghe nhiều mới cảm nhận, thấm được cái hay của bài hát. Bây giờ chưa thấy nhạc của Lady Gaga hay,có thể sau này sẽ thay đổi quan điểm chăng ! ? Theo tôi, nghe Lady GAGA hát hay nhất khi và chỉ khi đã có chút hơi men ngà ngà say. Vì có lẽ khiến cảm xúc sẽ `` mềm `` ra , dễ nhập vào body, có thể phấn khích nhún nhảy theo điệu nhạc ``phi giới tính `` của cô nàng quái dị Lady GAGA .

Tôi là tôi nhưng… không phải là tôi !

Trên báo Saigon tiếp thị có mục bình luận triết học do Bùi văn Nam SƠN phụ trách. Ý tưởng của ông là “bình dân” hóa triết học bằng cách dẫn nhập, đưa những ví dụ cụ thể, dí dỏm, đời thường để lý giải nhiều khái niệm triết học trừu tượng. Bài viết này có nói về mối quan hệ giữa bản chất- hiện tượng qua cách nhìn của nhiều triết gia từ cổ đến kim(ARISTOTE,KANT,HEGEL,SASTRE…). Ông minh họa vấn đề bằng cách đưa 1 ví dụ về việc tranh cãi của bố con ông bán phở, về cái cây, về Kiều, về sự phát triển của đời người… và từ từ bành trướng vấn đề sang mối quan hệ giữa cái bất biến và cái khả biến. Điều đó thật thú vị và bổ ích. Đôi khi, viết cái ngắn ngọn, cụ thể, trực tiếp lại gần gũi ,dễ hiểu cho độc giả hơn là cách trình bày khoa học, lý thuyết dài dòng mang tính hàn lâm kinh viện. Cũng có thể là do môn triết này khó hiểu, ít người thích thú, chịu khó tìm hiểu và nó lại được trình bày ở 1 tờ báo không chuyên nghành Triết như là báo SGTT.

Tôi cũng có đôi chút quan tâm về thuyết hiện sinh và rất thích câu tóm lược căn bản của thuyết này của tác giả BV NAMSƠN, đó là:”… cho rằng hiện hữu của con người có trước bản chất. Xác định trước một bản chất, là hạn chế sự tự do chọn lựa của con người! “.

Vế thứ nhất là khái niệm căn bản của thuyết hiện sinh, từ đây khai mở toàn bộ triết lý đề cao, tôn trọng , sùng bái “tự do” của con người, vì con người, cho con người. Cuộc đời hiện sinh là 1 cuộc nghiệm sinh không ngừng nghỉ. Không 1 thế lực nào có quyền ngăn cản cái ý muốn cháy bỏng đó bằng cách “đúc” , đổ khuôn, gò ép trước 1 “bản chất”, cho dù bản chất ấy có tốt đẹp như thế nào chăng nữa theo ý chí chủ quan của thế lực đó. Hãy để cho con người, con người cụ thể phô bày, trình diễn tất cả phần tinh túy, tiềm năng, khai phóng mọi sự sáng tạo để chính họ bật nẩy, nổi bật trên chính cái hoàn cảnh, lối sống, phong cách, con đường riêng biệt mà mình đã chọn lựa cũng như phải gánh chịu toàn bộ trách nhiệm về tất cả chọn lựa ấy cho cuộc đời của mình …
Nếu theo tinh thần ấy,1 hệ thống giáo dục nhân bản không phải là việc “đúc người” theo kiểu “trăm người như một” theo 1 hình mẫu (bản chất) có sẵn mà phải tôn trọng nét khác biệt, sự độc đáo căn cứ vào tính chất riêng biệt, khác nhau của từng bản thể cá nhân. Nhưng, đó cũng chỉ là 1 quan điểm, quan điểm của thuyết hiện sinh.

Còn vấn đề thú vị nữa về cái khả biến- bất biến. 1 con rắn khi lột xác nhiều lần thì “bản thể” mới ấy vẫn gọi là con rắn . Cái điện thoại Mobile dù tích hợp thêm nhiều chức năng mới như là camera, máy nghe nhạc MP3, GPS,RADIO…vẫn gọi là cái mobile hay nếu tích hợp thêm hệ điều hành thì có thể gọi khác đi là cái điện thoại thông minh (smartphone). 20 năm trước tôi là sinh viên, còn rất ngu ngơ, khờ dại tuy tôi trẻ, tràn đầy sức sống và nhiều ước vọng nhưng nay tôi đã mệt mỏi, buồn bã hơn và “ngộ” ra nhiều điều ảo tưởng …nhưng, đó vẫn là tôi. 20 năm nữa tôi đã già, bụng phệ, đeo mục kỉnh, có khi phải chống gậy, tư duy, tinh thần có thể thay đổi theo chiều hướng phát triển tích cực hay ngày càng yếm thế, âu sầu hơn. Có thể xuất hiện 1 hoàn cảnh đặc biệt mà tôi buộc phải chọn lựa, từ đó làm thay đổi toàn bộ cuộc đời phẳng lặng của tôi thì sao ?. Bây giờ tôi “bất biến’” nhưng sau này thì có thể “khả biến” chứ. Bây giờ tôi là tôi nhưng có thể sau này …không là tôi nữa !Và tôi cũng thích điều đó, tôi thích sự thay đổi, sự biến dịch, sự chuyển động.Trong tôi đang âm thầm 1 sự vận động sâu thẳm, nó đang diễn ra và sẽ diễn ra.

Thôi, Chưa biết được đời sẽ ra sao! Oh! Que sera…sera!