12/8/10

Tôi là tôi nhưng… không phải là tôi !

Trên báo Saigon tiếp thị có mục bình luận triết học do Bùi văn Nam SƠN phụ trách. Ý tưởng của ông là “bình dân” hóa triết học bằng cách dẫn nhập, đưa những ví dụ cụ thể, dí dỏm, đời thường để lý giải nhiều khái niệm triết học trừu tượng. Bài viết này có nói về mối quan hệ giữa bản chất- hiện tượng qua cách nhìn của nhiều triết gia từ cổ đến kim(ARISTOTE,KANT,HEGEL,SASTRE…). Ông minh họa vấn đề bằng cách đưa 1 ví dụ về việc tranh cãi của bố con ông bán phở, về cái cây, về Kiều, về sự phát triển của đời người… và từ từ bành trướng vấn đề sang mối quan hệ giữa cái bất biến và cái khả biến. Điều đó thật thú vị và bổ ích. Đôi khi, viết cái ngắn ngọn, cụ thể, trực tiếp lại gần gũi ,dễ hiểu cho độc giả hơn là cách trình bày khoa học, lý thuyết dài dòng mang tính hàn lâm kinh viện. Cũng có thể là do môn triết này khó hiểu, ít người thích thú, chịu khó tìm hiểu và nó lại được trình bày ở 1 tờ báo không chuyên nghành Triết như là báo SGTT.

Tôi cũng có đôi chút quan tâm về thuyết hiện sinh và rất thích câu tóm lược căn bản của thuyết này của tác giả BV NAMSƠN, đó là:”… cho rằng hiện hữu của con người có trước bản chất. Xác định trước một bản chất, là hạn chế sự tự do chọn lựa của con người! “.

Vế thứ nhất là khái niệm căn bản của thuyết hiện sinh, từ đây khai mở toàn bộ triết lý đề cao, tôn trọng , sùng bái “tự do” của con người, vì con người, cho con người. Cuộc đời hiện sinh là 1 cuộc nghiệm sinh không ngừng nghỉ. Không 1 thế lực nào có quyền ngăn cản cái ý muốn cháy bỏng đó bằng cách “đúc” , đổ khuôn, gò ép trước 1 “bản chất”, cho dù bản chất ấy có tốt đẹp như thế nào chăng nữa theo ý chí chủ quan của thế lực đó. Hãy để cho con người, con người cụ thể phô bày, trình diễn tất cả phần tinh túy, tiềm năng, khai phóng mọi sự sáng tạo để chính họ bật nẩy, nổi bật trên chính cái hoàn cảnh, lối sống, phong cách, con đường riêng biệt mà mình đã chọn lựa cũng như phải gánh chịu toàn bộ trách nhiệm về tất cả chọn lựa ấy cho cuộc đời của mình …
Nếu theo tinh thần ấy,1 hệ thống giáo dục nhân bản không phải là việc “đúc người” theo kiểu “trăm người như một” theo 1 hình mẫu (bản chất) có sẵn mà phải tôn trọng nét khác biệt, sự độc đáo căn cứ vào tính chất riêng biệt, khác nhau của từng bản thể cá nhân. Nhưng, đó cũng chỉ là 1 quan điểm, quan điểm của thuyết hiện sinh.

Còn vấn đề thú vị nữa về cái khả biến- bất biến. 1 con rắn khi lột xác nhiều lần thì “bản thể” mới ấy vẫn gọi là con rắn . Cái điện thoại Mobile dù tích hợp thêm nhiều chức năng mới như là camera, máy nghe nhạc MP3, GPS,RADIO…vẫn gọi là cái mobile hay nếu tích hợp thêm hệ điều hành thì có thể gọi khác đi là cái điện thoại thông minh (smartphone). 20 năm trước tôi là sinh viên, còn rất ngu ngơ, khờ dại tuy tôi trẻ, tràn đầy sức sống và nhiều ước vọng nhưng nay tôi đã mệt mỏi, buồn bã hơn và “ngộ” ra nhiều điều ảo tưởng …nhưng, đó vẫn là tôi. 20 năm nữa tôi đã già, bụng phệ, đeo mục kỉnh, có khi phải chống gậy, tư duy, tinh thần có thể thay đổi theo chiều hướng phát triển tích cực hay ngày càng yếm thế, âu sầu hơn. Có thể xuất hiện 1 hoàn cảnh đặc biệt mà tôi buộc phải chọn lựa, từ đó làm thay đổi toàn bộ cuộc đời phẳng lặng của tôi thì sao ?. Bây giờ tôi “bất biến’” nhưng sau này thì có thể “khả biến” chứ. Bây giờ tôi là tôi nhưng có thể sau này …không là tôi nữa !Và tôi cũng thích điều đó, tôi thích sự thay đổi, sự biến dịch, sự chuyển động.Trong tôi đang âm thầm 1 sự vận động sâu thẳm, nó đang diễn ra và sẽ diễn ra.

Thôi, Chưa biết được đời sẽ ra sao! Oh! Que sera…sera!

0 comments: