23/6/09

Điệu VALSE giã từ




…”Chúng ta gặp lại trong Điệu valse giã từ một cảm thức mà Kundera vẫn thường triệt để khai thác: con người dù mạnh mẽ hay tưởng mình mạnh mẽ đến đâu, cuối cùng cũng chỉ là một kẻ bé nhỏ thảm hại bị nhốt kín trong cái vòng lẩn quẩn xung quanh, không sao hiểu được người khác, không thể vươn tới các vũ trụ xung quanh vũ trụ của riêng mình. ..” và:…” những tình cờ đầy phi lý mới là cái thực sự dẫn dắt cuộc sống, trong đó con người dù mạnh đến đâu, nhiều quyền lực đến đâu cũng chỉ là những con rối, những vũ công của một điệu valse chóng mặt do một quyền lực phổ quát và vô hình tổ chức….”

Đó là lời giới thiệu mở đầu trong cuốn tiểu thuyết “Điệu valse giã từ” của nhà văn Kundera. Vừa đọc cuốn này trên vnthuquan xong. Cảm nhận văn phong của Kundera đơn giản, nhẹ nhàng nhưng ẩn đằng sau đó là cả 1 triết lý hiện sinh, tính logic chặt chẽ cùng cách xây dựng , phân tích tâm lý nhân vật độc đáo đầy hình tượng và ẩn dụ cao độ. Như lời giới thiệu rất hay đầu cuốn sách , truyện của Kundera ảnh hưởng rất lớn bởi thuyết hiện sinh nên các nhân vật của Kundera luôn xuất hiện với ánh hào quang chói lọi, lòng kiêu hãnh cao ngạo đầy ảo tưởng, tính cách nhân vật đôi khi mâu thuẫn, phi lý đến khôi hài. Người thổi kèn nổi tiếng Klima có tình yêu rất lớn với người vợ đẹp là ca sĩ nhưng lại thích chơi bời quan hệ trăng gió bên ngoài. Khi bị cô y tá Ruzena buộc nhận trách nhiệm về tác giả bào thai trong bụng thì tỏ ra cực kì sợ hãi, trốn tránh trách nhiệm và tìm đủ mọi cách thuyết phục cô y tá từ bỏ mầm sống nhỏ nhoi đang hình thành.

Nhân vật đầy mâu thuẫn khác là Jakub. Là 1 trí thức bị vùi dập vừa ra tù có suy nghĩ yếm thế, khắc kỷ đến cực đoan. Căm nghét,kinh sợ, lên án mối quan hệ xác thịt trai gái, phản đối chuyện mang thai và luôn ảo vọng về 1 tương lai tươi sáng ở chân trời lạ. Tự mình ảo tưởng về thứ quyền lực siêu hình bằng cách nắm giữ viên thuốc độc trong tay để quyết định sự sống của chính mình.Jakub tự đầy đọa mình khi nghĩ đến sự phi lý, cay nghiệt của cuộc sống và không muốn 1 kịch bản tương tự như mình lại tái sinh bằng 1 hình hài khác (thông qua cuộc tranh luận gay gắt với gã nhà giàu Bertlef)…Hành động bỏ viên thuốc độc vào túi thuốc của cô y tá Ruzena là đỉnh cao nhất của sự thờ ơ, khinh miệt cuộc sống con người. Điều khôi hài phi lý ở chỗ, tuy khoác bộ mặt giả trang trong điệu vũ Valse ,nhưng cuối cùng Jakub vẫn bị khuất phục trước bản năng hoang dại cùng tình yêu nhiệt thành của Olga. Đoạn tả Jakub gặp bà ca sĩ xinh đẹp,vợ của nghệ sĩ Kèn Klima và khi thực sự bị rung động trước vẻ đẹp tuyệt vời người đàn bà đã tuôn ra những lời chân thực nhất của con tim …đã cho thấy Jakub vẫn còn xót lại sự thương cảm , biết rung động trước con người, trước cái đẹp.

Ánh hào quang của Gã nhà giàu Bertlef là sự từng trải, khôn ngoan, cáo già, là người sùng đạo, mê vẽ tranh nhưng lại yêu cuộc sống với những niềm vui trần tục. Sự khôn ngoan, cáo già, thủ đoạn của Bertlef thể hiện rõ nhất ở chỗ chọn đúng thời điểm,tấn công đúng lúc,lợi dụng sự quẫn trí rối bời của cô y tá Ruzena trước đêm cuối cùng của cuộc đời để tận hưởng niềm vui trần thế của mình. Sự phi lý mâu thuẫn đến khôi hài được tác giả hư cấu là việc gã nhà giàu Bertlef sử dụng ánh hào quang giàu có của mình khiến gã bác sĩ Skreta tài hoa thèm muốn bằng cách đánh đổi xin làm con nuôi . Trong khi chính đứa con của Bertlef lại là một “tiểu SKRETA” được nhân bản vô tính từ bàn tay tài hoa và máu huyết của chính Bác sĩ Skreta.

Nhân vật trung tâm của sự rắc rối và dẫn đến cái chết đầy bi kịch oan uổng đó là cô y tá Ruzena. Ruzena mang thai, và dùng cái bào thai ấy làm vũ khí thể hiện quyền năng của mình. Cô cũng ảo tưởng về ánh hào quang của mình khi mong muốn thoát khỏi cuộc sống nhàm chán, tẻ nhạt ở thị trấn nước nóng mà cô gọi là “đầm lầy” đó. Điệu valse mà cô nhảy là thế giới bị kìm kẹp giữa 1 bên là gã thổi kèn nổi tiếng ăn chơi nhưng khiếp nhược KLIMA bên kia là thế giới đơn giản, yên bình, nóng tính ghen tuông của gã FRANTISEK. Tham dự vào trò chơi đó, cô là hiện thân của cái đẹp bị vùi dập, tra tấn, là màn thí nghiệm của những tư tưởng xa vời ,thờ ơ, ấu trĩ…đã diễn ra trên mảnh đất Csech tươi đẹp.

Cảnh Ruzena chết là điều bi kịch và là sự phi lý đến vô nghĩa của cuộc sống. Nhưng điều nhân bản nhất của cuốn tiểu thuyết là cảnh bác sĩ Skreta đón người vợ và con của gã nhà giàu Bertlef như là sự tiếp nối, tái tạo mạch sống không ngừng nghỉ, cho dù cuộc sống đó có khắc nghiệt và phi lý đến cỡ nào chăng nữa… Nói như Bertlef : “ dù cuộc sống của anh có tồi tệ cỡ nào đi nữa thì bản thân nó cũng có giá trị…”


Đang tìm đọc cuốn :Đời nhẹ khôn kham, sự bất tử, bản nguyên.... của Milan Kundera. Ai có mấy cuốn này thì cho mình xin nhé, có hậu tạ.